Bị táo bón khi mang thai là hiện tượng mà rất nhiều phụ nữ gặp phải, nếu như việc thay đổi chế độ ăn, lối sống thất bại, mẹ bầu sẽ phải điều trị táo bón bằng thuốc. Một số loại thuốc nhuận tràng có thể được sử dụng an toàn trong thời kỳ mang thai, trong khi những loại khác không được khuyến cáo là an toàn.
Mục Lục
Sử dụng thuốc nhuận tràng cần lưu ý những gì?
- Không tự ý sử dụng các thuốc nhuận tràng, nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ, để tránh lệ thuộc vào thuốc: thuốc nhuận tràng làm giảm táo bón, nhưng cũng làm cho bệnh nhân không có cảm giác mắc đi tiêu trong nhiều ngày, nếu đột ngột dừng thuốc nhuận tràng, táo bón lại quay trở lại.
- Chỉ dùng thuốc nhuận tràng khi việc thay đổi chế độ ăn, lối sống thất bại.
- Cần phải uống nhiều nước, khi sử dụng thuốc nhuận tràng, một mặt để tăng hiệu quả của thuốc, mặt khác tránh mất nước, khiến táo bón nặng thêm.
Các thuốc nhuận tràng nào an toàn cho phụ nữ có thai?
- Ưu tiên dùng: nhuận tràng cơ học, nhuận tràng thẩm thấu.
- Hạn chế dùng: nhuận tràng làm trơn, nhuận tràng làm mềm phân
- Không dùng: nhuận tràng kích thích do làm tăng co bóp tử cung gây sảy thai hoặc sinh non, chẳng hạn: Dầu thầu dầu
Nhuận tràng cơ học
Nhóm thuốc nhuận tràng cơ học được đánh giá là nhóm thuốc an toàn được sử dụng để điều trị táo bón cho bà bầu, bao gồm: cellulose (methylcellulose), agar-agar, hemicellulose, gomme sterculia… Chúng có đặc điểm: không hoà tan trong nước, không hấp thu trong ruột, có khả năng hấp thu nước vào khối phân và làm tăng khối lượng phân. Chúng chỉ tác động tại chỗ nên được các bác sĩ ưu tiên sử dụng cho phụ nữ có thai. Sau khi uống 1-3 ngày, thuốc mới có tác dụng.
Lưu ý khi sử dụng
- Thuốc có thể cản trở sự hấp thu của một số chất.
- Chỉ sử dụng để dự phòng và điều trị táo bón mãn tính, do hời gian tác dụng chậm
- Đối với một số người, thuốc có thể gây đầy bụng và đầy hơi.
Nhuận tràng thẩm thấu
Chúng là các chất không hấp thu, gây giữ nước trong lòng ruột, gây kích thích đi tiêu. Thời gian bắt đầu có tác dụng phụ thuộc vào hoạt chất và dạng dùng. Dạng muối natri, muối magie, glycerin, sorbitol, dùng ở dạng thụt trực tràng, thường có tác dụng nhanh chóng sau 15 – 30 phút, nhưng dạng uống thường sau 2 – 6 giờ; còn Lactullose, macrogol 4000 thường sau 1 – 3 ngày, mới có tác dụng.
Lưu ý khi sử dụng
- Phụ nữ có thai mắc cao huyết áp, không nên sử dụng lâu dài các chế phẩm chứa muối Natri
- Phụ nữ có thai có tiền sử hay đang mắc bệnh tim, co giật, giảm calci huyết, nên hạn chế sử dụng hoặc cần theo dõi khi sử dụng các muối phosphate. Do chúng là giảm calci huyết và tăng phosphat huyết
Nếu bạn mang thai và đi ngoài ra máu, nên đọc: Bà bầu đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?
Các thuốc nhuận tràng cần tránh trong thời kì mang thai?
Thuốc nhuận tràng kích thích không nên sử dụng trong khi mang thai bởi vì nó có thể kích thích sự co tử cung. Các chất nhuận tràng bôi trơn cũng không được gợi ý vì nó có thể làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng trong ruột non.
Nhuận tràng kích thích
Các thuốc thuộc nhóm này làm tăng nhu động ở ruột non (dầu thầu dầu) hoặc ruột già (anthraquinon, bisacodyl, picosulfate …). Nó được coi là thuốc nhuận tràng hoạt động nhanh vì nó sẽ kích thích cơ của bạn bị co giật đểđào thải chất thải ra ngoài. Thời gian có tác động, sau 6- 12 giờ sau khi uống. Các chất anthraquinon, bisacodyl, picosulfate được phân loại nhóm B cho phụ nữ có thai. Phân loại mức độ an toàn B (FDA): Thuốc đã được chứng minh không gây dị tật thai nhi trên động vật thực nghiệm. Thuốc đã được dùng cho một số lượng có hạn phụ nữ có thai và không cho thấy làm tăng tỷ lệ dị tật và gây hại cho thai nhi.
Nhuận tràng làm trơn
Một trong những loại dầu khoáng nổi tiếng thường được sử dụng cho táo bón là dầu paraffin. Dầu parafin là chất có độ nhớt cao, làm cho phân trong ruột trơn hơn. Dầu khoáng không bị hấp thụ vào đường tiêu hóa nhưng có thể ngăn sự hấp thu các vitamin tan trong dầu, gây mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của bé có thể dẫn đến các biến chứng. Thời gian có tác dụng, sau 1-3 ngày.
Nhuận tràng làm mềm phân
Đại diện cho nhóm này là muối docusate có tác dụng làm mềm phân do mỡ và nước trộn lẫn trong phân. Các thuốc này được phân loại nhóm C cho phụ nữ có thai. Mức độ an toàn loại C: thuốc có bản chất dược lý gây ra hoặc nghi ngờ gây ra các tác hại lên thai nhi hoặc trẻ sơ sinh nhưng không gây dị tật thai nhi. Các tác hại này có thể hết sau khi dừng thuốc. Thời gian có tác dụng từ 1-3 ngày. Thuốc có thể làm nặng thêm tình trạng đau dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn ở phụ nữ có thai.
Nguồn Bệnh viện Từ Dũ